Ảnh: Krauchanka Henadz/Shutterstock.com
BIM – Building Information Modeling là quy trình liên quan đến việc tạo lập và quản lý mô hình thông tin kỹ thuật số trong khâu thiết kế, thi công và vận hành công trình. Về bản chất, BIM có thể xem như một công trường xây dựng ảo với hồ sơ thiết kế gồm các dữ liệu kỹ thuật số, hình ảnh 3D, thông số kỹ thuật vật liệu, chi phí, tiến độ... Thông tin có thể được trao đổi và kết nối trực tiếp với nhau thông qua phần mềm quản lý.
BIM cho phép thiết kế, xây dựng và vận hành dự án như một công trường ảo, tránh rủi ro và tối ưu hoá các phương án. Ảnh: PointGroup
Nhiều quốc gia coi BIM như một công cụ đắc lực cho quản lý và vận hành công trình như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Pháp… Trong đó, Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ này trong tổ chức khu vực công như Quân đoàn Kỹ sư Hoa Kỳ, Tổng cục Dịch vụ… Các quốc gia châu Âu cũng tích cực áp dụng BIM trên quy mô lớn. Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về sử dụng BIM khi buộc phải áp dụng BIM trong mọi dự án của chính phủ cũng như dần sử dụng nhiều trong các dự án tư. Mô hình này cũng được Singapore áp dụng khi Cơ quan Quản lý xây dựng yêu cầu các đơn vị phải nộp kế hoạch BIM để được phê duyệt.
BIM mang lại nhiều lợi ích đối với không chỉ đơn vị quản lý, thi công mà còn với người trực tiếp sử dụng và cộng đồng. Ảnh: buildingincloud
Việc ứng dụng BIM không chỉ mang lại lợi ích cho các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng mà nhà thầu, cư dân, cơ quan quản lý cũng như cộng đồng cũng được hưởng lợi. Trong đó:
Đối với nhóm khai thác thông tin
Cơ quan quản lý nhà nước như Chính phủ, các Sở Ban ngành có cái nhìn tổng quát và cụ thể về dự án, tính phù hợp để phục vụ quá trình xét duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng… Đồng thời việc ứng dụng BIM trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng giảm được thời gian nghiên cứu và phê duyệt hồ sơ cấp phép, hiệu quả trong công tác thanh kiểm tra do thông tin minh bạch, logic, trực quan.
Chủ đầu tư sẽ có góc nhìn trực quan trong quá trình lựa chọn phương án đầu tư, thiết kế, xác định kế hoạch vốn phù hợp nếu triển khai. Từ đó giúp chủ đầu tư dễ dàng đưa ra quyết định thông qua các thông tin đã được cung cấp cụ thể trong mô hình. Việc sử dụng BIM đối với chủ đầu tư cũng giảm thiểu thời gian để xử lý xung đột ngoài ý muốn, qua đó góp phần tiết kiệm chi phí cho dự án. Cơ sở dữ liệu trong BIM giúp chủ đầu tư đối chiếu được với báo cáo vận hành, phân tích được ưu nhược điểm trong việc sử dụng không gian và tối ưu chi phí vận hành.
Đối với đơn vị quản lý chính của dự án có thể nắm được thông tin chi tiết ở từng hạng mục một cách trực quan, theo dõi được tiến độ thi công, biểu đồ nhân công, biểu đồ giá thành công trình. Từ đó có sự chuẩn bị về nguồn vốn, theo dõi nhân lực hay các kế hoạch tổ chức thi công, kiểm soát chi phí trong quá trình thực hiện. Cả vòng đời dự án được hoạch định sẵn, giúp nâng cao khả năng điều hành và quản lý cho đơn vị quản lý. Đây cũng là cơ sở để ban quản lý dự án điều phối việc thực hiện dự án giữa các nhà thầu và đơn vị liên quan, xử lý và lường trước tình huống có thể xảy ra.
Nhà thầu khi có BIM sẽ giảm thiểu sai sót trong việc triển khai bản vẽ thiết kế cho đến khi thực hiện. Nhà thầu cũng có thể tính toán phương án thi công, bố trí nguồn lực và phối hợp công việc trong các giai đoạn thi công khác nhau. Đồng thời phát hiện và lường trước những rủi ro trong quá trình thi công ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ.
Đối với công ty bảo hiểm có thể theo dõi quy trình xây dựng thông qua BIM, từ đó quản lý rủi ro trong quá trình lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt đến khi vận hành. Từ BIM đội ngũ kỹ sư của công ty bảo hiểm cũng có thể theo dõi, đối chiếu khi giám định, khảo sát và đánh giá rủi ro.
Đối với nhóm thực hiện dự án
BIM là công cụ hỗ trợ đắc lực cho kiến trúc sư, kỹ sư. Ảnh: LinkedIn
BIM là công cụ hỗ trợ đắc lực cho kiến trúc sư. Mô hình này không chỉ cung cấp hình ảnh trực quan về hình thức cũng như vật liệu xây dựng, hệ thống kết cấu và cơ khí. Kiến trúc sư có thể kiểm soát về mặt thiết kế, chất lượng và tốc độ, từ đó hạn chế sai sót và tăng chất lượng xây dựng. Thông qua BIM, các KTS có thể chia sẻ thông tin và trao đổi với các bên liên quan một cách chính xác, cải thiện sự hợp tác với chủ sở hữu và nhóm thiết kế trong giai đoạn xây dựng.
BIM cũng mang đến cho các kỹ sư những giá trị từ việc số hóa trong ý tưởng đến khâu thiết kế chi tiết, đặc biệt đối với kỹ sư dân dụng. Đây như một phương tiện để cải thiện kết quả dự án với nhiều giải pháp và kịch bản thiết kế, dễ quản lý, đầy đủ thông tin và dễ dàng trao đổi với các chuyên gia xây dựng khác xuyên suốt trong dự án.
Đối với người sử dụng thành quả của xây dựng công trình
Các mô hình BIM 3D cung cấp cho người dùng hiểu biết rõ hơn về thiết kế công trình. Thông qua bản mô tả chi tiết của BIM người dùng có thể phản hồi, góp ý, đề xuất thay đổi với các bên liên quan trong giai đoạn thiết kế để nâng cao trải nghiệm toà nhà. Việc phê duyệt các thiết kế ảo giúp giảm nhiễu trong quá trình xây dựng, mang lại sự hài lòng cao hơn cho người dùng và tối ưu hoá tài nguyên.
Cư dân cũng có thể thử nghiệm và kết hợp các sửa đổi trong tương lai vào mô hình ảo trước khi triển khai, đo lường rủi ro và lợi ích khi sử dụng.
Đối với cộng đồng, xã hội
Từ lợi ích mà BIM đem lại về quản lý tài nguyên, tránh lãng phí, giảm xung đột, sai lệch thông tin, cải thiện tiến độ hoàn thành sẽ tác động tích cực đối với cộng đồng, hướng đến công trình xanh, bền vững. Trong đó giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon khi xây dựng thực tế nhờ tính toán, bóc tách khối lượng và ngân sách vật liệu dựa trên mô hình BIM 3D. Nhờ vậy sẽ tác động trực tiếp đến việc sử dụng năng lượng, tài nguyên và thời gian cần thiết để lấy vật liệu xây dựng, góp phần hạn chế lượng khí thải carbon. Tương tự đó, nhờ BIM sẽ tối ưu hóa hệ thống cơ điện MEP (Mechanical and Electrical Plumbing) trong giai đoạn thiết kế, giảm mức tiêu thụ điện nước trong quá trình vận hành.
Các công cụ tính toán môi trường có thể phân tích vòng đời của toà nhà, tính toán tác động của công trình tới môi trường, từ đó giúp xác định cách xây dựng bền vững bằng cách sửa đổi các lựa chọn vật liệu hoặc phương pháp sản xuất.
Với những lợi ích mà BIM mang lại, tại Việt Nam, theo lộ trình được phê duyệt Quyết định số 258/QĐ-TTg, từ năm 2023, mô hình thông tin công trình BIM áp dụng bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Giai đoạn 2 năm 2025 sẽ áp dụng bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
Biên tập: Hương Vũ
Tuyến bài chuyên đề BIM được triển khai nhằm cung cấp thông tin tổng quan và chuyên sâu về BIM – Mô hình hóa thông tin công trình; những ưu điểm của việc ứng dụng BIM; vai trò của BIM khi áp dụng trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc; lợi ích của BIM đối với các bên liên quan; ứng dụng của BIM trong thiết kế, thi công công trình; thực tiễn và các tiêu chuẩn áp dụng BIM ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung; những công cụ làm BIM phổ biến hiện nay.
Từ đó, tuyến bài góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng quan tâm (kiến trúc sư, nhà thiết kế, chủ đầu tư, cơ quan quản lý…) về BIM, thúc đẩy việc ứng dụng BIM tại Việt Nam, tạo nền móng cho sự phát triển của ngành kiến trúc, xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng và bền vững.
Tuyến bài có sự hợp tác của Ths.KTS Trần Trí Thông – Nguyên giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng – Chuyên gia BIM Tool (Revit). Ths.KTS Trần Trí Thông cũng chia sẻ các kiến thức cập nhật, chi tiết về BIM và các phần mềm thực hiện BIM qua kênh Youtube Thong Revit dành cho cộng đồng quan tâm theo dõi.