Hotline: 0913162269

Kết quả cuộc thi cải tạo nâng cấp khu vực cảnh quan tượng đài Mẹ Nhu Quận Thanh Khê, Đà Nẵng

Cuộc thi được tổ chức nhằm kỷ niệm 55 năm chiến công Mẹ Nhu và 07 Dũng sĩ Thanh Khê (26/12/1968 -26/12/2023). Đây là hoạt động nằm trong chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng với Ủy ban Nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Kiến Việt xin giới thiệu với bạn đọc các đồ án đạt giải cuộc thi “Cải tạo nâng cấp khu vực cảnh quan tượng đài Mẹ Nhu Quận Thanh Khê, Đà Nẵng”. 

Giải Nhất

  • Tên đồ án: Dòng sử (TK11) 
  • Nhóm tác giả: Nguyễn Trần Hạ Vy, Đặng Lê Duy Vỹ, Mai Bá Nam, Lê Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Cửu Hoàng Lân (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng)

Sự hi sinh của Mẹ Nhu đã gây một xúc động lớn, một niềm cảm phục sâu sắc trong lòng nhân dân Đà Nẵng. Bức tượng đài Mẹ Nhu được dựng nên nhằm ghi ơn công lao của mẹ và các chiến sĩ trong trận chiến. Với niềm tôn kính sâu sắc, nhóm thiết kế hi vọng sự cải tạo không gian xung quanh tượng đài sẽ gợi nhớ lại sự hào hùng của trận chiến nhưng cũng không kém phần mới mẻ để phù hợp với một Đà Nẵng đang phát triển ngày nay. 

Giải Nhì

  • Tên đồ án: Sức mạnh Quân Dân (TK07)
  • Tác giả: Công ty TNHH PsA House

Nhóm thiết kế lấy hình tượng dải lụa làm chủ đạo cho ý tưởng thiết kế để tôn vinh giá trị đoàn kết của quân với dân trong thời kỳ kháng chiến. 7 dải lụa với 7 màu sắc khác nhau tượng trưng cho 7 chiến sĩ, uyển chuyển mềm mại biến đổi khôn lường nhưng đầy sức mạnh. 7 dải lụa như mọc lên từ lòng đất, di chuyển men theo chiều dài của khu đất uốn lượn vào nhau tiến về phía trung tâm của tượng đài, tại đây các dải lụa đan vào nhau tạo cao trào vươn lên trở thành biểu tượng của ngọn lửa sức mạnh và tôn vinh. 

Giải Ba

  • Tên đồ án: Chuyện kể rằng (TK08)
  • Nhóm tác giả: Hồ Nghiêm Thúy Quỳnh, Phùng Tiên Tinh, Nguyễn Đình Tuấn (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng)

Những yếu tố lịch sử, văn hóa và thiên nhiên con người quận Thanh Khê đều được đưa vào từng chi tiết thiết kế. Điểm nhấn chính của tổ hợp cảnh quan là “Câu chuyện lịch sử…” - Tượng đài Mẹ Nhu được cải tạo và thêm vào một không gian tưởng niệm 7 Dũng sĩ Thanh Khê. Đây là không gian mang đậm dấu ấn linh thiêng và lịch sử truyền tải qua kiến trúc, ánh sáng và đường nét mềm mại với mặt nước. 

  • Tên đồ án: Theo dòng lịch sử (TK01)
  • Tác giả: Công ty TNHH MTV Tư vấn và Xây dựng TAC

Ý tưởng thiết kế mang tên “Theo dòng lịch sử từ quá khứ, hiện tại hướng tới tương lai, khát vọng vươn lên của thành phố Đà Nẵng”. Tượng Mẹ Nhu sử dụng màu sắc và biểu tượng tượng trưng cho “Hòa bình - thể hiện thời điểm hiện tại” để tiếp diễn cho tương lai. Khu vực mở rộng sử dụng màu sắc đối lập: màu tối thể hiện được đoạn quá khứ, lịch sử, màu sáng thể hiện được đoạn tương lai phát triển thông qua trục đối xứng ảo. 

Giải Khuyến khích

  • Tên đồ án: Mẫu Liên Thiên Kiều (TK12)
  • Nhóm tác giả: Khoa Kiến trúc Trường Đại học Duy Tân: Nguyễn Anh Tài, Văn Viết Nam; Khoa Mỹ thuật Ứng dụng Trường Đại học Duy Tân: Châu Đức Tín, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Thị Nhân Hậu, Lê Anh Dũng; Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng: Nguyễn Chánh Trực

Thiết kế tuân theo mạch câu chuyện và thẩm mỹ kiến trúc nhằm hướng tới truyền tải thông điệp về văn hóa lịch sử của thành phố Đà Nẵng đến người dân và khách du lịch. Thiết kế cầu đi bộ, đài ngắm cảnh trên cao để khai thác góc nhìn của của người dân hướng gần Mẹ Nhu. Thiết kế tạo tính liên kết chung cho cảnh quan và người sử dụng khu vực khuôn viên tượng đài Mẹ nhu và các khu vực có liên quan, đảm bảo đáp ứng nhu cầu dành cho tất cả người dân. 

  • Tên đồ án: Mẹ Lê Thị Dành (TK02)
  • Tác giả: Mai Nguyễn Thu Hà

Khối công trình chính lấy ý tưởng từ hình tượng ngôi sao vàng năm cánh gắn liền với hình ảnh cờ Tổ quốc, với chiếc mũ cối, với hình ảnh của người lính Việt Nam trong những cuộc kháng chiến. Đây là biểu tượng cao đẹp của tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Sử dụng bê tông làm vật liệu chính thể hiện được sự mạnh mẽ từ ý nghĩa đến hình thức cho công trình, thể hiện rõ được ý đồ của người thiết kế - nỗi đau mất mát trong chiến tranh và sự hi sinh thầm lặng của mẹ Việt Nam anh hùng vẫn mãi luôn trường tồn. 

  • Tên đồ án: Thanh Âm Kiều Thị (Tk13)
  • Nhóm tác giả: Khoa Kiến trúc Trường Đại học Duy Tân: Lê Bình An, Nguyễn Thị Diễm Quyên, Nguyễn Hoàng Diệu Hiền, Nguyễn Thị Tuyết Nhi; Khoa Mỹ thuật Ứng dụng Trường Đại học Duy Tân: Lê Văn Tuấn, Nguyễn Phi Tiến Dũng, Trương Quang Đăng Dương; Khoa Kiến trúc Quốc tế Trường Đại học Duy Tân: Lê Phú Quang

  • Tên đồ án: Xuôi dòng Xuân Xanh (TK09)
  • Nhóm tác giả: Nguyễn Thành Tấn, Nguyễn Ngọc Hiếu, Huỳnh Ngọc Hiếu (Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng)

Đồ án là một dự án thiết kế cải tạo và nâng cấp cảnh quan với ý niệm mang đến cho người dân địa phương và du khách đến tham quan một không gian hòa nhập cộng đồng chất lượng và thân thiện. Công trình được tạo ra trên mục đích tạo ra sự tương tác xã hội giữa con người với con người, con người với các đối tượng tinh thần khác len lỏi trong tâm hồn mỗi người con quận Thanh Khê thông qua các chất liệu có sẵn từ những câu chuyện của địa phương. Khi trải nghiệm những tinh hoa văn hóa miền biển thông qua mọi miền tiềm thức và thông qua những trang lịch sử hào hùng bi tráng của quận Thanh Khê để làm sống lại một niềm tin yêu, một nét vàng son về thời đại của thế hệ cha anh đi trước. 

Giải Cộng đồng

  • Tên đồ án: Choàng (TK06)
  • Nhóm tác giả: Phạm Văn Hoàng, Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

Lấy ý tưởng từ chiếc khăn choàng cổ, một đồ dùng không thể thiếu của các người mẹ Việt Nam anh hùng. Nhóm thiết kế cách điệu và tạo đường nét cho công trình chính, vừa tạo nên sự uyển chuyển đường nét hiện đại cũng như mang đậm các giá trị lịch sử một thời kháng chiến. 

  • Tên đồ án: Cải tạo nâng cấp khu vực cảnh quan Tượng đài Mẹ Nhu, quận Thanh Khê
  • Nhóm tác giả: Nguyễn Công Dũng, Ngô Quốc Thắng, Tuấn Kiệt, Lê Thị Quý Châu (Khoa Kiến trúc Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng)

  • Tên đồ án: Hoa Của Đất (TK03)
  • Nhóm tác giả: Đoàn Văn Cường, Võ Thành Đạt (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

Hoa của Đất không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp tinh khôi phồn thịnh. Trong từng cánh hoa, chúng ta tìm thấy sức sống mãnh liệt và sự kỳ diệu của tự nhiên. Hoa là những nhạc điệu của mùa xuân, là bức tranh hòa mình vào sắc màu thiên nhiên tươi mới. Hoa của Đất còn là nguồn cảm hứng vô tận cho con người. Nhìn vào những những đóa hoa, chúng ta tìm thấy vẻ đẹp trong sự đơn giản, và từ đó, học được cách trân trọng những giá trị giản dị nhất của cuộc sống. 

  • Tên đồ án: Hòa Sắc (TK04)
  • Nhóm tác giả: Đoàn Văn Cường, Võ Thành Đạt (Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

Với ý tưởng “Hòa sắc”, nhóm thiết kế mong muốn chuyển đổi không gian thành một trải nghiệm tương tác, nơi mọi người không chỉ nhận thức được vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn cảm nhận được năng lượng tích cực và sự hòa mình vào không khí sôi động của thành phố biển Đà Nẵng. 

  • Tên đồ án: Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê (TK05)
  • Nhóm tác giả: Đặng Hữu Hòa, Trần Thái Tuấn, Văn Công Hiền, Nguyễn Đặng Uyên Nhi (Khoa Kiến trúc Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng)

Mẹ Nhu là một người mẹ Việt Nam, người mẹ miền Trung hiền hòa, khắc khổ nhưng lại vô cùng kiên cường vì vậy mà sự ra đi của bà đã lấy đi rất nhiều giọt nước mắt của người dân, người con lúc bấy giờ. Nhóm lấy ý tưởng đặt một hồ nước dưới chân mẹ nhằm thể hiện sự tiếc thương và những giọt nước mắt của người dân về sự ra đi của mẹ. Ngoài ra, hình ảnh làn nước mát còn nhằm mục đích xoa dịu 7000 vỏ đạn được chế tác làm nên tượng của mẹ. Xung quanh tượng Mẹ Nhu, nhóm bố trí 7 ngọn đèn tương trưng cho 7 dũng sĩ Thanh Khê đã làm nên chiến công vang dội, bảo vệ căn cứ Thanh Khê, củng cố lòng tin cho nhân dân. 

0913162269