Hotline: 0377277799

Chiến lược chống lũ lụt đô thị ở các thành phố Mỹ Latin

Tại một số thành phố ở Brazil, lượng mưa đã vượt qua tổng lượng mưa tích lũy trong thời gian còn lại của năm. Nạn ngập, lũ lụt và lở đất là những tin tức phổ biến trên các tờ báo trong khu vực. Trong viễn cảnh hỗn loạn này, một nghiên cứu được trình bày bởi Liên đoàn Đô thị Quốc gia cho biết, trong bối cảnh có mưa nhiều ở miền Nam và hạn hán ở miền Bắc, khoảng 5,8 triệu người Brazil đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ các thảm họa trong năm 2023. Hậu quả do các thảm họa gây ra đối với người dân đe dọa cướp đi sinh mạng, phải di dời nơi cư trú và các thiệt hại nặng nề khác về mặt kinh tế.

Thật không may, triển vọng cũng không cho thấy phần khả quan khi phiên bản quốc gia nổi tiếng về biến đổi khí hậu IPCC, do Ban biến đổi khí hậu Brazil (PBMC) biên soạn vào báo cáo đã cảnh báo rằng Brazil cùng với các quốc gia khác ở Mỹ Latin, sẽ không chỉ trải qua tình trạng nhiệt độ gia tăng do biến đổi khí hậu mà còn sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong mô hình lượng mưa. 

Trong viễn cảnh này, biến đổi khí hậu làm cho các sự kiện ngày càng khó dự đoán, cùng với sự phát triển của các thành phố làm cho các thảm họa tự nhiên trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, vấn đề lũ lụt ngày một trở nên nổi bật ở các trung tâm đô thị. Việc thiếu quy hoạch và hệ thống thoát nước không đầy đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng đất, dẫn đến tình trạng nước không thể thấm vào đất sau mưa, không thể thoát nước nhanh chóng và gây ra ngập lụt.

Công viên Rachel de Queiroz / Architectus S/S. Ảnh © Joana França

Tất nhiên, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến các nước ở Mỹ Latinh. Nó là mối quan tâm toàn cầu được thảo luận trong các cuộc hội thảo và tranh luận trên toàn thế giới. Về vấn đề này, mỗi quốc gia đều đang giải quyết theo cách riêng của mình. Ví dụ, ở châu Âu có sự đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và công nghệ tiên tiến để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều điều cần học hỏi từ các quốc gia khác, các thành phố Mỹ Latinh đã và đang đóng góp vào bối cảnh toàn cầu bằng những chiến lược sáng tạo và có hiệu quả, phản ánh những đặc điểm địa lý độc đáo của khu vực này.  

Khi giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị, các giải pháp căn bản nhằm giảm thiểu thảm họa được đề xuất chủ yếu tập trung vào các giải pháp liên quan đến cơ sở hạ tầng xanh. Phù hợp với khái niệm thành phố bọt biển, các kiểu dự án này là sự kết hợp vỉa hè có thể thấm nước, tái tạo các vùng đất ngập nước tự nhiên và cảnh quan thủy sinh để chống lũ lụt đồng thời cung cấp các tiện ích phục vụ  giải trí.

Công viên Rachel de Queiroz ở thủ đô Ceará, Brazil là một ví dụ nổi bật. Đây là một phần của sáng kiến, sau khi hoàn thành, sẽ cung cấp hơn 200ha không gian tự nhiên cho thành phố Fortaleza. Phần đặc biệt này đóng vai trò là khu vực bảo tồn dễ bị lũ lụt của thành phố, dự án kết hợp khu vực bảo tồn với hệ thống thoát nước như một yếu tố cấu trúc quan trọng. Sau các nghiên cứu về thủy văn, đề xuất bao gồm việc tạo ra 9 đầm phá liên kết với nhau, được thiết kế để trải qua quá trình lọc nước tự nhiên. Tận dụng hệ thống thoát nước sông và nước mưa gần đó bằng kỹ thuật của vùng đất ngập nước. Con đường giữa các đầm phá sẽ dẫn du khách đến các khu giải trí được tổ chức tốt với các tiện ích văn hóa, thể thao và giải trí. Cùng với việc trồng hơn 600 loài cây bản địa, dự án đã giảm thiểu lũ lụt thường xuyên một cách hiệu quả bằng cách giảm bớt áp lực lên hệ thống thoát nước mưa, đồng thời mang đến một không gian công cộng chất lượng cao cho người dân địa phương.

Công viên Rachel de Queiroz / Architectus S/S. Ảnh © Joana França

Việc sử dụng các khu vực dễ bị ngập lụt làm chiến lược giảm thiểu ngập lụt đô thị là một giải pháp hấp dẫn nhưng nó không phải là một giải pháp thực tế vì khó có thể áp dụng giải pháp này rộng rãi do hoàn cảnh riêng của mỗi thành phố là khác nhau. Do đó, những không gian xanh công cộng rộng lớn là giải pháp thu hút được sự chú ý hơn vì chúng vốn mang lại khả năng thấm đất quan trọng. Trong bối cảnh này, các hành lang xanh đô thị rộng lớn, chẳng hạn như các hành lang được triển khai ở Medellín, Colombia, công viên tuyến tính Córrego Grande ở Florianópolis, Brazil hoặc hành lang sinh thái được đề xuất ở Bogotá, Colombia là các dự án tiêu biểu thể hiện các chiến lược có quy mô và tác động khác nhau. Tất cả các dự án đều nhằm mục đích mang lại (hoặc bảo tồn) thảm thực vật trong các trung tâm đô thị, tăng tính thấm của đất và tăng cường khả năng hấp thụ nước từ các không gian xanh công cộng.

Công viên Córrego Grande Linear / JA8 Arquitetura Viva. Ảnh © Lio Simas

Tiếp tục trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng xanh, việc tạo ra các khu vườn đô thị được minh họa bằng một sáng kiến ở miền bắc Brazil. Một hình ảnh nổi bật là những mái nhà xanh, chẳng hạn như trong dự án tại Trung tâm hành chính Universidad de los Andes ở Bogotá. Mặc dù không cấu thành không gian xanh công cộng như các ví dụ trước nhưng mái nhà xanh góp phần hấp thụ nước mưa và giúp giảm bớt vấn đề lũ lụt ở các thành phố đông dân và có rất ít không gian xanh.

Vườn đô thị ở São Paulo. Ảnh © Vía ecohustler.co.uk

Trung tâm Đại học Cívico de los Andes (Etapa 1) / Undurraga Devés Arquitectos + Konrad Brunner Arquitectos. Ảnh © Enrique Guzman

Ngoài vấn đề lũ lụt do lượng mưa gây ra, nhiều thành phố ở Mỹ Latinh còn phải vật lộn với tình trạng ngập lụt ven biển hoặc ven sông. Các chính phủ thường chuyển sang các giải pháp truyền thống như nuôi dưỡng bãi biển hoặc xây dựng đê biển để giải quyết những thách thức này. Điều quan trọng là phải hiểu rằng cả hai phương pháp này đều là những cách tiếp cận trong chiến lược bảo vệ (phòng ngừa). Tuy nhiên các cuộc thảo luận toàn cầu hiện nay đang ngày càng chú trọng đến các biện pháp quản lý nước thích ứng hơn. Một ví dụ rõ ràng minh họa cho sự thay đổi này là dự án ‘Amphibious Membrane and City-Park’ ở Recife, Brazil. Sáng kiến này nhằm mục đích thành lập một Công viên sinh thái trên bờ biển đô thị, vượt ngoài khái niệm cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngăn chặn thuần túy. Lớp màng này (membrane) sẽ thích ứng với địa hình biển, được hình thành do sự can thiệp của con người và các quá trình tự nhiên như dòng hải lưu. Đồng thời, nó góp phần hữu cơ vào việc hình thành lãnh thổ mới, lớp màng được kết nối thông qua ba công viên được liên kết với nhau.

Công việc tại Balneário Camboriú. Nguồn: Tòa thị chính Balneário

Khi thảo luận về chủ đề này, điều quan trọng là phải nêu bật lên các chiến lược. Lúc này, các chiến lược không chỉ tập trung vào mục đích chính là ngăn ngừa lũ lụt mà còn giải quyết tình hình một cách hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng.

Một ví dụ hấp dẫn là Công viên trượt ván Cañales ở Mexico. Các thiết kế kiến trúc có trong dự án đã xem xét đến yếu tố  lũ lụt thường xuyên của khu vực trong quá khứ. Từ đó, toàn bộ khu thể thao có mái che đã được nâng lên, đảm bảo nước sẽ chỉ chạm đến phạm vi bên ngoài của khu phức hợp trong trường hợp có lũ lụt. Lựa chọn giải pháp thiết kế này có thể ngăn ngừa hư hỏng kết cấu và đảm bảo cho công trình vẫn hoạt động tốt.

Công viên trượt ván Cañales / Quintanilla Arquitectos. Ảnh © Onnis Luque

Trung tâm Cộng đồng LAMOCC ở vùng Caribe Colombia được thiết kế để giải quyết các trường hợp khẩn cấp do biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao và hậu quả của nó là gây ra lũ lụt trong khu vực. Trung tâm Cộng đồng LAMOCC là kết quả của một cuộc thi công khai, dự án là sự kết hợp các kỹ thuật bản địa (cấu trúc bằng gỗ và mái tranh) với các phương pháp hiện đại (nền bê tông được nâng cao) để tạo ra một cấu trúc có khả năng chống chọi với mực nước dâng. Ngoài ra, không gian này vừa là nơi tụ họp cộng đồng vừa là nơi trú ẩn trong các đợt lũ lụt.

Trung tâm Cộng đồng LAMOCC ở El Torno / AGRA Anzellini Garcia-Reyes Arquitectos. Ảnh: © AGRA arquitectos

Cơ sở hạ tầng xanh, công viên sinh thái hay công trình kiến trúc sẵn sàng chống lũ lụt chỉ là một vài trong số rất nhiều chiến lược đang được áp dụng trên quy mô khu vực hoặc toàn cầu. Tuy vậy, điều quan trọng cần lưu ý là các chiến lược chống lũ lụt cụ thể có thể khác nhau giữa các thành phố dựa trên điều kiện, ngân sách và nguồn lực sẵn có của địa phương. Hơn nữa, một cách tiếp cận toàn diện kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau, xem xét cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn, thường là cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng ngập lụt ở các thành phố Mỹ Latinh. Cách tiếp cận này cũng cần tính đến sự hợp tác giữa các chính phủ, cộng đồng địa phương và các tổ chức quốc tế để thực hiện thành công và duy trì các chiến lược trong thời gian dài.

Ảnh © Tạp chí Chủ quyền lương thực, đa dạng sinh học và văn hóa

0377277799